Các đám cưới, đám hỏi thông thường đều được tổ chức ở tư gia hoặc nhà hàng khách sạn. Điều mà mọi người đều đã quen thuộc và chứng kiến nhiều lần. Lễ Hằng Thuận được tổ chức tại chùa còn ít được biết tới.
Tìm hiểu về lễ hằng thuận
Lễ Hằng Thuận là nghi thức lễ cưới được tổ chức trang nghiêm tại chùa hoặc thiền viện. Ngoài ra, lễ Hằng Thuận cũng có thể tổ chức tại nhà thờ tổ của dòng họ. Theo tên gọi, “Hằng” là thường xuyên, luôn luôn, còn “Thuận” là hòa thuận, đồng thuận hướng về những điều cao thượng, tốt đẹp trong đời sống. Vì vậy, mục đích chính của lễ Hằng Thuận là để vợ chồng ý thức được tầm quan trọng của hôn nhân, từ đó hướng đến cuộc sống gia đình hạnh phúc, êm ấm.Lễ Hằng Thuận được thực hiện để thể hiện niềm tin, sự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau trong quan hệ hôn nhân dưới sự chứng kiến của mọi người nơi nghiêm trang và thành kính.
Theo các tư liệu lưu trữ từ lâu thì lễ Hằng Thuận được khởi xướng từ cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật (1883 – 1940). Bút hiệu là Đồ Nam Tứ, quê tại Hải Dương. Trước khi quy y theo cửa phật, ông là một nhà nho. Vì thế sau khi theo Phật pháp, ông cho rằng việc tổ chức các lễ cưới ở chùa sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người thực hiện cũng như cho Phật pháp.
Tuy người khởi xướng là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật, nhưng lễ Hằng Thuận điển hình đầu tiên và đánh dấu bước mở rộng của lễ cưới này trong lịch sử Phật giáo nước ta lại là đám cưới của bà Lê Thị Hoành sánh duyên cùng ông Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm tình Thừa Thiên Huế vào năm 1930.
Ưu Đãi Tiệc Cưới Giảm 500.000 VND/BÀN TIỆC
🎁 Tặng trang trí độc quyền hoa lụa cao cấp ngọt ngào
🎁 Bánh chờ tiệc thơm ngon
🎁 Phòng tân hôn lãng mạn đẳng cấp khách sạn 4 sao
🎁 Tặng bia, nước ngọt, nước suối trong tiệc
Thủ tục tổ chức lễ Hằng Thuận
Lễ Hằng Thuận cần được diễn ra tại chính điện của chùa nơi có không gian rộng và trang trọng. Khi bắt đầu nghi lễ, đôi uyên ương sẽ quỳ trước bàn, hướng về nơi thờ Phật và làm theo chỉ dẫn của các vị hòa thượng chủ hôn. Người thân và bạn bè được sắp xếp vị trí dự lễ ở hai bên, nhà trai bên trái, nhà gái bên phải.
Các bước tiến hành lễ Hằng Thuận
Trước khi tổ chức, cô dâu, chú rể và gia đình hai bên phải đến chùa xin ý kiến của sư thầy trụ trì, sau khi nhận được sự đồng ý mới bắt đầu bước vào công việc chuẩn bị cho buổi lễ. Nghi thức của lễ cưới được tiến hành có phần khác với lễ cưới thông thường.
Chủ hôn thường là một vị hoà thượng hay chư tăng. Nếu tổ chức tại chùa, nghi lễ này sẽ được thực hiện ở chính điện của chùa. Sẽ có một chiếc bàn dài được kê ở chính điện, các vị hoà thượng sẽ đứng sau chiếc bàn đó, gia đình cô dâu, chú rể cùng họ hàng, bạn bè đứng ở hai bên theo đúng quy cách “nam tả, nữ hữu” (nhà trai đứng bên trái, nhà gái đứng bên phải). Trước khi làm lễ, vị chủ hôn sẽ hỏi xem cô dâu, chú rể đã quy y chưa, nếu chưa thì thầy sẽ làm lễ quy y cho hai vợ chồng trước, rồi mới tới nghi lễ cưới.
Cô dâu, chú rể sẽ quỳ trước bàn thờ để đọc lời nguyện và nhận lời ban phước cũng như lời răn dạy của vị trụ trì buổi lễ. Tiếp đó là nghi lễ “Phu thê giao bái”, cô dâu, chú rể trao nhẫn cưới và cùng nhau nghe sư thầy chủ trì nói về ý nghĩa của việc trao nhẫn. Cuối cùng, đại diện hai bên gia đình sẽ hứa trước tượng Phật và các vị chư tăng về việc chỉ bảo cho cô dâu chú rể nên người, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Sau khi buổi lễ tại chính điện kết thúc, gia đình hai bên sẽ mời sư thầy, các vị chư tăng cùng họ hàng và bạn bè dự tiệc chay. Thông thường, bữa tiệc này sẽ được tổ chức ngay tại chùa, mâm cỗ cũng đầy đủ các món như gà luộc, nem hải sản, canh măng… Điểm khác biệt là toàn bộ các món ăn đều được chế biến từ thực vật như nấm, mộc nhĩ, khoai, đậu phụ, ngũ cốc…
Chi phí lễ Hằng Thuận
Chi phí tổ chức lễ Hằng Thuận thông thường không quá nhiều. Mà sẽ thay đổi tùy vào tính long trọng hay đơn giản của mỗi cặp đôi. Trong đó các khoản chi phí sẽ bao gồm:
Chi phí trang trí chính điện, nơi tổ chức hôn lễ: 2 – 3 triệu đồng
Chi phí cúng dường Tam Bảo hay Trai Tăng: tùy theo từng gia đình, nhưng thông thường sẽ khoảng 5 triệu.
Chi phí mâm cỗ chay sau lễ: 500.000 – 1.000.000 đồng/mâm
Chùa nào tổ chức lễ hằng thuận tại Tp. Hồ Chí Minh?
Thông tin về những ngôi chùa tổ chức đám cưới Hằng Thuận sẽ là nguồn tham khảo hữu ích các cặp đôi cô dâu chú rể có dự định tổ chức một đám cưới thanh tịnh.
Các chùa tổ chức Hằng Thuận tại thành phố Hồ Chí Minh
- Chùa Vĩnh Nghiêm- 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 14, Quận 3
- Chùa Pháp Hoa- 220A Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3.
- Chùa Định Thành- 629 Cách Mạng Tháng 8, Phường 15, Quận 10.
- Chùa Viên Giác- 193 Bùi Thị Xuân, Phường 1, Quận Tân Bình.
- Chùa Hoằng Pháp- 188/8 Tân Thới 3, Xã Tân Hiệp, Huyện Hóc Môn.
Lưu ý để chọn đúng trang phục cho lễ cưới ở chùa
Để phù hợp với không khí trang nghiêm thành kính nơi cửa Phật, cô dâu chú rể nên ăn mặc giản dị và mộc mạc.
Cần chọn những mẫu áo dài may bằng chất liệu dày, kín đáo. Hạn chế sử dụng các loại ren trong suốt. Không nên trang trí bằng đính đá, đính hạt lấp lánh hoặc các họa tiết quá cầu kỳ, độc đáo, nổi bật.
Tốt nhất cô dâu chú rể nên chọn các loại áo dài trơn. Có họa tiết ngầm hoặc thêu tay nhưng màu sắc cần hài hòa, không đối chọi nhau. Các cặp đôi nên lựa chọn những màu sắc sáng và quen thuộc như đỏ, trắng hay vàng. Màu vàng gắn liền với phật giáo còn đỏ là màu hạnh phúc lứa đôi. Ngoài ra, sắc hồng hay vàng đồng cũng khá phù hợp.
Đừng lựa chọn những sắc màu tối hay pha trộn, kết hợp loè loẹt nhiều màu sắc. Nó sẽ tạo ra ấn tượng không tốt và không phù hợp với nơi trang nghiêm cửa Phật.